Bình Thuận quyết liệt chặn đứng các trường hợp chủ đầu tư dự án cầm đèn chạy trước ô tô

Trong giai đoạn hiện nay, thị trường BĐS TP Phan Thiết (Bình Thuận) luôn nhận được sự quan tâm cao của nhà đầu tư. Từ đó, để cạnh tranh, đã có một số dự án, tổ hợp với giá trị đầu tư hàng tỉ USD còn đang nằm trên giấy, chưa hoàn chỉnh pháp lý hoặc chỉ là ý tưởng nhưng đã được quảng cáo rầm rộ ra thị trường. Chính quyền địa phương lập tức triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh và "dẹp loạn".

Thực tế, các chuyên gia bất động sản cho rằng xét về phương diện mức giá đầu tư thì hiện tại, Phan Thiết rõ ràng là khu vực có tiềm năng rất lớn, đang như một viên ngọc thô chưa được mài giũa. Bởi thời điểm này, các thị trường phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tương đồng về vị trí như Đà Nẵng, Nha Trang… có mức giá cao hơn gấp 10 lần. 

Cụ thể, như Đà Nẵng đất ven biển thì đã có mức giá lên đến 300 triệu đồng/m2, nhưng cũng rất hiếm nguồn cung. Hay Nha Trang đến 450 triệu/m2, trong khi thị trường Phan Thiết đang ở mức có thể nói là chỉ 30-40 triệu đồng/m2 đất nền ven biển. 

Các chuyên gia bất động sản cũng thừa nhận rằng bài toán về cơ sở hạ tầng và bất động sản luôn luôn đồng hành, hỗ trợ qua lại và gắn kết mật thiết với nhau. Bởi nếu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kết nối tốt thì giá bất động sản sẽ gia tăng, từ đó các nhà đầu tư sẽ an tâm rót tiền, triển khai mạnh dự án, sẽ thu hút nhà đầu tư, du khách.

Thật vậy, hiện tại, tiềm năng của Phan Thiết đang được các nhà đầu tư lớn tập trung đón đầu với hàng loạt dự án đã và đang triển khai. Theo đó, tuyến cao tốc TP HCM, Long Thành Dầu Giây đã hoàn hoàn chỉnh, Tuyến đường cao tốc Dầu giây - Phan Thiết - Nha Trang bắt đầu triển khai.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với điểm đầu trên Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (Bình Thuận), điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó chiều dài đoạn cao tốc là 99 km, đoạn tuyến nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1 là 2,6 km. Tuyến cao tốc này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 120km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m với tổng mức đầu tư của dự án là hơn 14.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong 36 tháng.

Giao thông đường thuỷ đã có tuyến tàu "5 sao" khai thác du lịch luân chuyển giữa TPHCM-Phan Thiết. Đặc biệt là Cảng vận tải chuyên dụng Vĩnh Tân được đầu tư xây dựng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế Bình Thuận. Quan trọng hơn là sân bay Phan Thiết bắt đầu được triển khai xây dựng, dự kiến đưa hoạt động vào 2022.

Qua khảo sát thực tế, được biết ngay sau khi các thông tin về dự án sân bay Phan Thiết dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong quý 3/2019 tới. Cộng với đó là một số dự án đường cao tốc kết nối TPHCM với Bình Thuận, hay như tuyến cao tốc Bình Thuận - Vũng Tàu; Bình Thuận - Dầu Giây (Đồng Nai) cũng đang được khởi động, đang làm xuất hiện những cơn sốt đất "nóng", giá chào bán tăng từng ngày, hàng người đi xe hơi xếp hàng dài trước các dự án vẫn đang diễn ra tại địa phương này.

Tuy nhiên, từ cơn sốt đất này, trên thị trường địa ốc tỉnh Bình Thuận, chủ yếu tại TP Phan Thiết, Thị xã La Gi đã xuất hiện tình trạng nhiều dự án núp bóng, chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý đã tự ý quảng cáo, thông tin rầm rộ để lôi kéo khách hàng. 

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, qua rà soát sơ bộ các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh này cho thấy, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại một số dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục quy định pháp luật.

Hiện đang có tình trạng lợi dụng các hình thức quảng cáo, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí đang được các chủ đầu tư và môi giới thực hiện để thu tiền của người mua. Các hình thức này không có trong quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.

Trong khi đó, theo quy định, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật đất đai, kinh doanh bất động sản. Chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị chỉ được thực hiện việc chuyển nhượng sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng.

Cụ thể, các chủ đầu tư sau khi triển khai xây dựng và đầu tư hoàn thiện hạ tầng phải có trách nhiệm báo cáo về Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các thủ tục theo quy định trước khi thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho người dân.


Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu hàng loạt công ty kinh doanh địa ốc, bất động sản chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng các dự án tại địa phương này. Sở này cũng đã công bố danh sách 9 dự án được nêu tên là chưa được phép mở bán do chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý đầu tư theo quy định. Chính điều này đã gây tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng, nhà đầu tư. 

Một số chuyên gia cũng cho biết bằng việc thực hiện các giải pháp siết chặt đầu ra như vậy, tỉnh Bình Thuận đang muốn làm cho thị trường địa ốc nơi đây thật sự minh bạch, giảm cơn sốt ảo kịp thời và đưa giá đất về đúng giá trị thực. Qua đó, tỉnh cũng đang thực hiện các biện pháp giúp cho khách hàng yên tâm khi xuống tiền mua dự án trên địa bàn. Về phía doanh nghiệp địa ốc, một số ý kiến cho rằng chính việc làm này cũng "thúc ép" các chủ đầu tư làm ăn chỉnh chu, đúng pháp luật về đất đai, loại bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và "vàng thau lẫn lộn"...

Điển hình như chủ đầu tư dự án Hamubay (TP Phan Thiết) cho biết ngay sau khi UBND tỉnh có các văn bản chấn chỉnh hoạt động, giao dịch, chuyển nhượng dự án BĐS, doanh nghiệp này lập tức triển khai đầy đủ các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của cơ quan chức năng để dự án sớm được tung ra thị trường. Được biết, đến thời điểm hiện tại dự án đã hoàn tất đầy đủ hồ sơ pháp lý, khách hàng và nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm khi quay trở lại kiểm chứng, tham quan dự án. 

Cụ thể, dự án đã có Quyết định chủ trương đầu tư; đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 (bản đồ quy hoạch chi tiết đính kèm); giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; Hoàn tất thẩm định thiết kế cơ sở công trình hạ tầng kỹ thuật dự án; Đánh giá tác động môi trường; Giấy phép xây dựng.... 

Tại dự án này, UBND tỉnh Bình Thuận và chủ đầu tư phối hợp để triển khai nhằm bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang lại đô thị cũng như bảo vệ bờ biển chống sạt lở xâm thực từ biển, vốn là nỗi lo rất lớn của cộng đồng người dân sinh sống tại khu vực trong nhiều năm gần đây.

Không những thực hiện bộ pháp lý đầy đủ, thời gian qua chủ đầu tư còn tích cực báo cáo đầy đủ tiến độ và chủ động đề xuất giải pháp đến các cấp chính quyền tại TP Phan Thiết và UBND tỉnh Bình Thuận để thực hiện thi công dự án được nhanh hơn, để sớm hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế cho ngân sách một cách nhanh nhất.

Được biết, ngày 3/6 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã ra văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát lại, thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, chủ trì UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ hể làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất đối với các dự án Hamubay để chủ đầu tư nộp ngân sách Nhà nước.... 

Động thái này cho thấy lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, TP Phan Thiết đã tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc sớm hoàn thành các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hàng loạt dự án đang được đầu tư tại tỉnh. Được biết, chủ đầu tư cũng đã đề nghị được phép tạm ứng 300 tỉ tiền sử dụng đất trong thời gian thẩm định giá trị đất để đóng tiền sử dụng đất theo quy định.

Hiện Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện pháp luật kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, qua đó sẽ xem xét xử lý các sai phạm của các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị theo quy định pháp luật. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, trước các quy định rà soát, siết chặt việc giao dịch tại những dự án không đầy đủ hồ sơ pháp lý, cộng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, nhiều chủ đầu tư đang thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục pháp lý đầu tư dự án.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra và xử lý các hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định để không xảy ra việc đầu cơ tăng giá bất động sản, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, phát triển của tỉnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND TP.Phan Thiết công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt (trước mắt tại khu vực phường Phú Hài, Mũi Né, xã Thiện Nghiệp, Tiến Thành, Phong Nẫm) để người dân được biết. Mặt khác, triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng thu gom đất để xây dựng hạ tầng các khu dân cư tự phát không đảm bảo quy chuẩn xây dựng, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Nguyên Minh
Theo Nhịp sống kinh tế