Cần sớm gỡ nút thắt để nâng cao vị thế Đảo Ngọc

Kiên Giang muốn Phú Quốc “lên đời” là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Cũng như bất cứ đô thị nào trong quá trình phát triển, để làm được điều đó còn nhiều bài toán cần phải giải quyết. Trong đó sự ủng hộ về cơ chế, chính sách của Chính phủ đóng vai trò quyết định nhằm tháo bỏ rào cản.

 
 

Thế mạnh "đi trước, đón đầu"

Nhận thức được ưu thế chiến lược về giao thông và tài nguyên du lịch của huyện đảo, ngay từ rất sớm, tỉnh Kiên Giang đã xác định đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 3 năm (2016 - 2018), tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trọng điểm như: hơn 5.800 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường giao thông, đầu tư 2.400 tỷ đồng cho hệ thống cáp điện ngầm từ đất liền ra đảo và hơn 1.600 tỷ đồng xây dựng cảng hành khách quốc tế... Đặc biệt, sau khi đầu tư hơn 3.000 tỷ mở rộng sân bay Phú Quốc, nâng tần suất 20 chuyến/ngày, nối đảo với các tỉnh thành trong cả nước và nhiều khu vực quốc tế lân cận, du khách đã không ngừng đổ về địa phương này.

Theo UBND huyện Phú Quốc, cho đến thời điểm này, huyện đảo đã thu hút được 304 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng lên đến 370 nghìn tỷ đồng, tương đương với 16 tỷ USD.

Là điểm nóng về tăng trưởng du lịch, địa phương này luôn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, kén chọn dự án từ những nhà đầu tư chuyên nghiệp và kinh nghiệm.

Du lịch Phú Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của dòng khách, đặc biệt là trong ba năm trở lại đây. Thống kê từ 2015 đến 2018, khách du lịch tới Phú Quốc đã tăng trưởng tới 338% (từ 913.000 lên hơn 4 triệu lượt/năm). Năm 2019, chỉ sau 9 tháng, huyện đảo này đã đón xấp xỉ 4 triệu lượt khách, tăng 33,2% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế trên 541 nghìn lượt, tăng 28,3% so với cùng kỳ và doanh thu đạt trên 5.700 tỷ đồng.

Nguy cơ đánh mất vị thế nếu không gỡ bỏ nút thắt

Tuy nhiên, giống với bất kỳ đô thị nào trong quá trình phát triển, Phú Quốc cũng gặp phải những thách thức của tăng trưởng nóng. Tâm lý "ăn theo" những nhà đầu tư lớn cùng với câu chuyện lãi khủng từ đất vàng Phú Quốc được thêu dệt... đã khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ từ khắp các tỉnh thành lao vào đầu cơ. Cuối cùng, rất nhiều trường hợp bị lừa đảo mất trắng do mua phải đất không rõ nguồn gốc xuất xứ...

"Cơn sốt đất" đi qua đã lộ rõ nhiều tồn tại trong quản lý quy hoạch, đất đai của địa phương này. Đặc biệt nhức nhối là việc đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án không thỏa mãn về khung giá và vấn đề tái định cư dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua. 

Vì vậy, nếu không sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới quy hoạch chi tiết các khu chức năng phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung, mạnh tay xử lý các dự án chậm tiến độ và gỡ các nút thắt về giá cả đền bù, tái định cư cho người dân tại vùng dự án, Phú Quốc sẽ tự đánh mất nhiều cơ hội với những nhà đầu tư lớn. Bài toán khó này được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm sau khi Phú Quốc được Chính phủ phê duyệt "lên đời" thành phố. 

Hạ tầng du lịch của Phú Quốc không ngừng được đẩy mạnh với nhiều dự án tầm cỡ

Chính UBND tỉnh Kiên Giang cũng thừa nhận, mô hình chính quyền nông thôn (huyện) hiện nay đã không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới với nhiều khó khăn, bất cập. Đó là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái... "Tấm áo chật" so với đòi hỏi thực tiễn này cần sớm được cởi bỏ bởi cơ chế, chính sách, tạo điều kiện mới của Chính phủ.

Kỳ vọng là "Singapore thứ 2" của Đông Nam Á

Theo ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, năm 2019, huyện đảo đặt kế hoạch thu ngân sách 4.300 tỷ đồng. Lãnh đạo huyện Phú Quốc nhấn mạnh, năm 2019 và những năm tới, Phú Quốc xác định du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển làm nền tảng để thúc đẩy các lĩnh vực khác.

Tương lai, khi "Đề án thành lập Thành phố Phú Quốc" sớm được Chính phủ thông qua cộng với những thế mạnh riêng có, Phú Quốc đang đứng trước cơ hội trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam và cơ hội trỗi dậy trở thành điểm đến tầm cỡ thế giới - một "Singapore thứ 2" như kỳ vọng của nhiều người. Giới chuyên gia bày tỏ kỳ vọng trên hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, bởi hiện tại Phú Quốc đang sở hữu những nền tảng quan trọng để "cất cánh". Mảnh đất này vẫn là nơi rót vốn tin tưởng của các tập đoàn lớn.

Điển hình như Sun Group với hệ sinh thái vui chơi, nghỉ dưỡng nhiều tỷ đô tại Nam đảo: Cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới, khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay... và tới đây là khu đô thị đảo Sun Grand City New An Thoi. Rồi sự hiện diện của Vingroup, Bim Group, CEO Group tại Bắc đảo…

Hình hài của một trung tâm sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí mang tầm quốc tế đang trên đà hình thành ở Phú Quốc và tương lai không xa, chúng ta có quyền kỳ vọng Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm tài chính, đầu mối giao thông vận tải và hàng không quốc tế mới của thế giới.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế

http://cafef.vn/can-som-go-nut-that-de-nang-cao-vi-the-dao-ngoc-20191024091419046.chn?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=10